Thông Tin Thị Trường
Xung quanh việc cấm nhập lúa mì lẫn hạt cỏ: Nên lùi thời gian áp dụng
Ngày đăng: 09/10/2018 | Lượt xem: 1120
Chiều 8-10, buổi tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” do Hội Lương thực thực phẩm TPHCM tổ chức diễn ra trong tâm trạng lo âu của doanh nghiệp. Từ ngày 1-11-2018, nếu lô hàng nào vi phạm (lúa mì nhập khẩu có hạt kê đồng – hạt cỏ cirsium arvense (L.) Scop.) sẽ bị tái xuất.
Hình ảnh minh họa
Ảnh hưởng dây chuyền
Trung bình mỗi năm, tổng khối lượng lúa mì mà doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường cung cấp lúa mì lớn và chất lượng như Canada, Mỹ, Nga, Australia… khoảng 5 triệu tấn/năm. Riêng năm nay, đến thời điểm này là gần 4 triệu tấn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu lúa mì, bột mì để phục vụ sản xuất mì ăn liền, bánh, sữa, thức ăn gia súc, làm kẹo… những năm qua đều tăng cao. Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, còn xuất trở lại vào các nước khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt.
Theo chuyên gia nghiên cứu phản biện chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC Trần Duy Khanh, nếu lúa mì có chứa cỏ Cirsium Arvense được nhập khẩu về làm hạt giống thì nhất định phải cho tái xuất hoặc cấm nhập khẩu.
Nhưng nếu lúa mì nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi, đều phải nghiền và xử lý nấu chín, thì cần xem xét kỹ lưỡng khi áp dụng biện pháp tái xuất, cấm nhập hoặc tiêu hủy, bởi lẽ doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, yếu về tiềm năng tài chính và công nghệ, cần phải linh hoạt trong áp dụng các biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Việc cấm nhập khẩu lúa mì lẫn hạt cỏ sẽ làm đảo lộn cả lĩnh vực chế biến thực phẩm
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang, khẳng định, công ty hoạt động trên lĩnh vực này từ hàng chục năm nay. Sản phẩm lúa mì nhập khẩu của công ty chủ yếu là từ thị trường Nga và Australia.
Đây là hai thị trường có sản lượng lúa mì tốt nhất thế giới. Về cỏ dại mà Cục Bảo vệ thực vật quan ngại được xem là giống cỏ cộng sinh trong quá trình trồng lúa mì. Giống cỏ này thường phát triển ở vùng ôn đới và khó có khả năng phát triển tại vùng nhiệt đới như nước ta.
Ngày 25-9, công ty đột nhiên nhận được thông báo là buộc phải tái xuất những lô hàng lúa mì nhập khẩu nếu phát hiện lẫn cỏ dại trên sau ngày 1-11.
Trong khi đó, đơn hàng đã được đặt trước từ tháng 6, thậm chí doanh nghiệp còn có lô hàng trị giá 20 triệu USD đang trên đường về Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định đột ngột này, công ty có nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Cũng trong tình trạng trên, Công ty Liên doanh Bột mì Quốc tế Intermix cho biết, hiện một lô hàng lúa mì trị giá gần 300 tỷ đồng của công ty cũng đang trên tàu về Việt Nam.
Nếu không về kịp trước ngày 1-11 doanh nghiệp không biết phải tái xuất đi đâu. Trước thực tế đó, các DN đang làm việc với các hãng tàu để rút ngắn thời gian cập cảng của những chuyến tàu sớm trước thời hạn 1-11-2018. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang phải bỏ thêm chi phí 5 USD/tấn vì vấn đề này nên cũng rất khó khăn.
Nếu áp dụng quy định này thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Sẽ có hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải chật vật vì chưa thể tìm nguồn nguyên liệu thay thế trong thời gian quá ngắn.Việc sản xuất các mặt hàng mì gói, bánh kẹo, bánh mì cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phải nhập khẩu bột mì với giá cao, chi phí sẽ tăng mạnh. Ước tính khoảng 25% lúa mì nhập về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải sẽ tìm nguồn cung thay thế.
Tìm hướng giải quyết thay vì cấm
Phân tích ở góc độ quản lý nhà nước, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho rằng, trước hết cần ghi nhận lo ngại của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đưa ra quy định này do quan ngại an toàn thực vật.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu sản phẩm này đã tồn tại từ rất lâu nhưng đến nay chưa có thực tế nào chứng minh đang có sự gây hại môi trường trồng trọt từ loại cỏ này. Và đặc biệt, mức độ nguy hại có cấp thiết đến mức ban hành và áp dụng gấp gáp quy định này trong thời gian ngắn.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, với những trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực như thế này cần phải có sự thận trọng và tham khảo các bên.
Trước đó, Nghị định 09-2016 quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm đã làm cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm điêu đứng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải chạy đến 2 dây chuyền sản xuất để đảm bảo hàng xuất khẩu không bổ sung vi chất (thị trường thế giới quy định) và hàng trong nước phải bổ sung vi chất.
Chưa kể, sản phẩm bán trong nước sau khi bổ sung vi chất bị biến đổi màu sắc và chất lượng không còn như ban đầu đang làm giảm thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Trần Duy Khanh cho rằng, về phía cơ quan quản lý không thể không quản lý được thì cấm nhập khẩu. Bởi với cách ban hành những quy định, văn bản một cách tùy tiện như trên sẽ gây nên những hệ quả khôn lường đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, nếu muốn áp dụng quy định mới nào, nhất thiết phải có lộ trình áp dụng nhất định. Đơn cử như với quy định cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn cỏ dại trên thì cần thiết phải tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngay khi có thông báo trên, nhiều doanh nghiệp đã trao đổi với các đối tác bên nhập khẩu lúa mì để đề nghị nhà cung cấp bóc tách loại cỏ này trước khi nhập khẩu.
Tuy nhiên, phần lớn nhà cung ứng đều từ chối vì gần như không nước nào nhập khẩu lúa mì có quy định này. Mặt khác, Việt Nam chỉ nhập khẩu số lượng nhỏ, không thể đầu tư máy móc xử lý riêng và dù có xử lý thì không đạt được kết quả 100%.
Hoặc nếu đồng ý đầu tư xử lý sàng lọc cỏ dại như yêu cầu từ Việt Nam thì giá thành sản phẩm sẽ tăng và đối tượng cuối cùng chịu thiệt thì chính là người tiêu dùng.
Đại diện các doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, đề nghị, trước mắt xin lùi thời gian áp dụng để gỡ khó cho doanh nghiệp và có cách xử lý linh hoạt sao cho vẹn cả đôi bên. Bởi việc này không chỉ ảnh hưởng mấy trăm doanh nghiệp nhập khẩu mà còn làm đảo lộn cả lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Cục BVTV, trong số gần 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ đầu năm đến nay, có hơn 1,2 triệu tấn lúa mì (trên 30%) bị lẫn hạt cỏ. Từ tháng 5, khi phát hiện cỏ “cirsium arvense” có trong lúa mì nhập khẩu, Việt Nam đã thông báo cảnh báo các nước xuất khẩu.
Theo QCVN 01-163: 2014/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình giám định, cây kê đồng (cỏ Cirsium Arvense (L.) Scop) là dịch hại kiểm dịch thực vật. Đây là đối tượng kiểm dịch thực vật và nguy cơ gây hại lớn cho cây trồng trên 40 nước. Nhiều nước xếp loại vào đối tượng gây hại nguy hiểm và là đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Hàn Quốc, Argentina, Brazil…
Tin nổi bật
-
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI NGÀY 19/04/2020
19/04/2021
-
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI NGÀY 14/04/2021
14/04/2021
-
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI NGÀY 13/04/2021
13/04/2021
-
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI NGÀY 07/04/2021
07/04/2021