• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Tin tức

Dịch tả lợn châu Phi ‘Nam tiến’ người chăn nuôi điêu đứng

Ngày đăng: 16/05/2019 | Lượt xem: 2157

Không chỉ miền Bắc, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam khiến giá heo hơi nơi đây giảm mạnh, người chăn nuôi điêu đứng.

dich-ta-lon-chau-phi-nam-tien-nguoi-chan-nuoi-dieu-dung
Dịch tả lợn châu Phi ‘Nam tiến’ người chăn nuôi điêu đứng. Ảnh minh họa

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam khiến giá heo giảm mạnh so với tuần trước đó. Tại Long An, An Giang, Tiền Giang, giá heo hơi giảm 3.000 đồng còn 35.000 - 38.000 đồng một kg.

Các tỉnh Cần Thơ, Bến Tre cũng giảm khoảng 2.000 đồng một kg và lần lượt còn 38.000 - 33.000 đồng một kg.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 14/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu có buổi làm việc với các sở, ban ngành và các huyện có chăn nuôi lợn trên địa bàn TP HCM về công tác phòng chống Dịch tả lợn châu Phi.   

Theo Sở NN&PTNT TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con; trong đó 270 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, quán ăn, có nguy cơ cao lây lan Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đến thời điềm này, TP HCM chưa phát hiện đàn lợn nào mắc bệnh dịch.

Tuy chưa phát hiện dịch bệnh nhưng TP HCM cũng đang là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 10.000 con/ngày, trong đó, chỉ có 15%-18% từ nguồn lợn nuôi trên địa bàn.

Trên địa bàn TP HCM hiện có 11 cơ sở giết mổ lợn, công suất giết mổ khoảng 6.500 -7.000 con lợn/ngày.

Trong đó, nguồn thịt lợn chủ yếu nhập từ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, TPHCM còn tiếp nhận khoảng 2.500 con lợn giết mổ từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai.

dich-ta-lon-chau-phi-nam-tien-nguoi-chan-nuoi-dieu-dung
giá heo giảm mạnh so với tuần trước đó. Tại Long An, An Giang, Tiền Giang, giá heo hơi giảm 3.000 đồng còn 35.000 - 38.000 đồng một kg.

Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi tại TP HCM rất lớn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM nhấn mạnh, TP HCM đã rất cố gắng và quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn thành phố.

Bên cạnh các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch, UBND TP HCM đã chỉ đạo cho Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trự nguồn thịt lợn đảm bảo cân đối cung cầu thị trường thành phố. Hiện, nguồn thịt đang cung ứng cho thị trường từ các đơn vị khoảng 106 tấn thịt lợn/ngày.

Công ty CP Kỹ nghệ súc sản Vissan sẽ thu mua dữ trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và sẵn sàng nhập khẩu thịt từ các nước. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn Sagrifood sẽ tăng nguồn cung so với bình thường hiện nay là 7 tấn/ngày. Công ty Chăn nuôi C.P hiện cung ứng 7,5 tấn thịt/ngày cũng cam kết sẽ cung ứng đủ lượng hàng cho thị trường...

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta.

Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại các nước lân cận (tháng 8/2018) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó có sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, do đó, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng.

"Trong đó, đã bước đầu hạn chế tình trạng lây lan mạnh của dịch bệnh, từ đó giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các báo cáo cũng cho thấy nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém trong công tác phòng chống dịch.

Một số địa phương chưa chủ động tổ chức giám sát, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chưa chính xác, kịp thời, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Thậm chí một số nơi còn chủ quan, coi nhẹ trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

"Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi thả trôi trên kênh, chỉ trong vòng vài tiếng người dân trục vớt được 3-4 tấn; có địa phương hiện không còn chỗ để tiêu huỷ lợn bệnh. Có nơi người dân chôn lợn chết ở gần nguồn nước hoặc chôn rồi lại đào lên di chuyển đến nơi khác", Phó Thủ tướng dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương mà báo chí phản ánh tình trạng này cần rà soát, kiểm tra lại ngay và xử lý nghiêm những vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng đó.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, “phải xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống tại các cơ sở địa phương. Cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần tích cực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch; đồng thời, phải bảo vệ được sản xuất”.

Hoàng Linh/Sức Khỏe Cộng Đồng