• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Tin tức sự kiện

Tin tức sự kiện

Suất đầu tư của Hòa Phát hơn hẳn Formosa

Ngày đăng: 22/03/2018 | Lượt xem: 943

Sáng nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018.

Năm 2018 với nhiều kế hoạch lớn

Trong năm 2018, HPG đặt mục tiêu doanh thu 55.000 tỷ đồng – tăng 17% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế là 8.050 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức lợi nhuận 8.015 tỷ đồng của năm. Dự kiến, HPG sẽ đạt 12.000 tỷ doanh thu và 2.000 tỷ lợi nhuận trong quý I.2018.

Ban lãnh đạo HPG cho biết 2018 là năm bản lề cho tầm vóc mới, sức mạnh mới của Hoà Phát khi quý II công ty sẽ đưa ra thị trường sản phẩm tôn mạ màu và dây chuyền cán thép giai đoạn 1 - dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép tại Dung Quất dự kiến có sản phẩm từ quý 3.

Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đình Long khá lạc quan về tình hình kinh doanh của Hoà Phát thời gian tới. Năm 2017 Hoà Phát đều vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận dù chưa đưa vào hoạt động các dự án đầu tư lớn song. Thị phần của 2 sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép lần lượt đạt 24% và 27% dù bị cạnh tranh khá gay gắt.

Hiện tại, các sản phẩm thép của Dung Quất được tiêu thụ 65% tại Miền Bắc, sau đó chia đều tại miền Trung và miền Nam. Khi Dung Quất ra đời tập đoàn dự định sẽ xuất khẩu khoảng 1/4 sản lượng, 3/4 chia đều cho thị trường miền Trung và miền Nam. Vị trí của nhà máy này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất thép cho thị trường miền Nam. Đồng thời, thị trường miền Bắc cũng sẽ có nhiều sản lượng thép hơn.

Trong năm 2018, HPG sẽ tập trung toàn lực cho việc hoàn thành khu liên hợp gang thép Dung Quất. Ông Long dự báo rằng khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2020, doanh thu của tập đoàn sẽ ít nhất tăng gấp đôi và lọt 50 công ty thép lớn nhất thế giới.

Khu liên hợp sẽ hoàn thành từng giai đoạn, 70-80% sản phẩm thép của khu liên hợp sẽ được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu. Hiện nhu cầu thị trường nội địa đối với các sản phẩm thép chất lượng cao là trên 1,5tr tấn/năm.

Ngoài ra, trong tháng 5 này nhà máy tôn mạ màu của Hòa Phát sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hòa Phát hiện đã triển khai bán hàng và có doanh số bán hàng tôn từ tháng 3 (bán cho chính khu liên hợp Dung Quất) còn từ tháng 5 bắt đầu bán ra thị trường. Doanh số bán tôn trong năm nay của HPG ước khoảng 3.000 tỷ đồng. Còn khi đã có thị trường và sản xuất vào ổn định, HPG kỳ vọng doanh số sản phẩm tôn vào năm 2019 sẽ đạt khoảng 9.000 tỷ.

Sự cạnh tranh của Formosa là “rất không đáng ngại”

Khi được hỏi về sự cạnh tranh của Formosa, ông Long nói rằng “Không quá lo lắng” và “rất không đáng ngại”.

Cụ thể, Ông Trần Đình Long cho biết Formosa phải đầu tư 12,5-13 tỷ USD, tương đương 1700 USD/tấn công suất, còn Hoà Phát suất đầu tư khoảng 500 USD/tấn chỉ bằng 1/3 do đó Hoà Phát đủ tự tin cạnh tranh về chi phí với Formosa, thậm chí trong thời gian tới tuỳ tình hình thị trường Hoà Phát sẽ xin Chính phủ chủ tương mở rộng gấp đôi công suất khu gang thép Dung Quất và khi đó HPG sẽ là công ty sản xuất thép số 1 Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Dương nhấn mạnh: "Ở Việt Nam gần như không có doanh nghiệp thép nào có sức cạnh tranh mạnh mẽ như Hòa Phát. Chúng tôi có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn trên thế giới." Ông lấy ví dụ chính quyền phải mở một ban điều tra để xác định Hòa Phát có bán phá giá hay không. Hòa Phát đã thắng vụ kiện đó và tiếp tục xuất khẩu sang Úc. 

Ban lãnh đạo HPG cũng cho biết Công ty cũng không bị chịu tác động quá nhiều bởi các chính sách áp thuế của các nước vì không đặt nặng xuất khẩu. Xuất khẩu chỉ chiếm 1-2% nguồn thu của HPG. Ngoài ra, HPG cũng không chỉ tập trung vào một thị trường nào mà chia ra nhiều thị trường để bán nhỏ, lẻ, lấy số lượng để đổi lấy an toàn, vì vậy nhìn chung theo ban lãnh đạo việc áp thuế không ảnh hưởng nhiều đếu công ty.

Nguồn: nhipcaudautu.vn