• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Thông Tin Thị Trường

Thông Tin Thị Trường

Thị trường Thức ăn chăn nuôi (21/11-27/11/2019)

Ngày đăng: 28/11/2019 | Lượt xem: 1141

Ngày 28/11/2019

Thị trường Thức ăn chăn nuôi (21/11-27/11/2019)
1. Ngô
•    Giá ngô có xu hướng tăng tại cả hai miền do các đơn vị chịu áp lực giải phóng hàng đã bán hết. Ngô Brazil lên 4.850-4.880 đồng/kg (xá cảng Vũng Tàu) và 4.900-4.920 đồng/kg (xá cảng Cái Lân). Tàu ngô Brazil về miền Bắc cuối tháng 11, đầu tháng 12 chủ yếu là hàng nhà máy, hàng thương mại hầu hết để trả hợp đồng đã ký trước đó.
•    Đầu tuần này có ghi nhận nhu cầu hỏi mua hàng từ các thương lái đưa hàng đi tiểu ngạch qua Campuchia bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Campuchia vẫn có nhu cầu lai rai nhưng do rủi ro trong thanh toán nên thương nhân Việt Nam không dám chốt lượng lớn, giá mua khoảng 4.850 đồng/kg (ngô Brazil) tại cảng Vũng Tàu.
•    Với lượng nhập khẩu về tăng mạnh trong suôt giai đoạn 8-9-10-11 thì lượng ngô tồn kho cảng/sà lan hoặc tại kho các công ty vẫn còn khá nhiều. Do đó các thương nhân nhận định rằng việc lưu kho sớm trong tháng 11 có thể vẫn rủi ro do thời gian lưu kho kéo dài, áp lực vốn vay, chi phí lưu kho, hao hụt lớn, chất lượng hàng đi xuống. Do đó, thời điểm giữa và cuối tháng 12 có thể sẽ hợp lý hơn. Áp lực xả hàng của các doanh nghiệp sẽ còn diễn ra trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12, giá có thể thấp trong giai đoạn này nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại.
2. Khô đậu tương
•    Đầu tuần này,  nhu cầu hỏi khô đậu tương giao ngay tại miền Nam có khá nhiều cả từ nhà máy TATS lẫn TAGS trong khi hàng về ít, các bên đẩy giá lên từ 50-100 đ/kg so với cuối tuần trước, lên mức 8800-8850 đ/kg (xá cảng Vũng Tàu).
•    Tương tự, thị trường khô đậu tương miền Bắc cũng sôi động hơn vào hôm thứ 4 (27/11), giá chào cho hàng giao đầu tháng 12 khoảng 9.250 đồng/kg về nhà máy khu vực Hải Dương, tương đương khoảng 9.050-9.100 đồng/kg (xá cảng Cái Lân). Hàng giao cuối tháng 12 có đơn vị đẩy lên mức 9.350 đồng/kg về nhà máy do lượng hàng nhập khẩu về ít.
•    Theo cập nhật của Xuân Trường Hai tại thời điểm ngày 27/11, lượng khô đậu tương nhập khẩu trong tháng 12 chỉ đạt chưa đầy 330 nghìn tấn. Hai tháng liên tiếp 11 và 12 về ít nên giá khô đậu tương nhiều khả năng sẽ được đẩy tăng thêm nữa. Tuy nhiên một số nhà máy cũng đang rất thận trọng bởi chưa chắc chắn về nhu cầu.
3. Cám gạo, cám mỳ
•    Giá cám gạo tại ĐBSCL đầu tuần này có xu hướng giảm do nhu cầu mua hàng của nhà máy yếu, mặc dù vậy nguồn cung vẫn khan.
•    Không chỉ cám gạo mà cám mỳ cũng đang rất khan hàng do bột mỳ không bán được nên nhà máy hạn chế sản xuất.
•    Cám mỳ nội địa khan hàng nên cám mỳ viên hút, giá tăng mạnh. Có đơn vị thương mại chào về nhà máy miền Tây cho hàng tháng 12 lên tới 5.500 đồng/kg (tương đương khoảng 5.300 đồng/kg tại cảng) do nguồn hàng về ít, giá cao.
4. Lúa mỳ, sắn lát, DDGS
•    Có thể các tàu lúa mỳ Nga đã về hết, đợt tàu tiếp theo phải sau tháng 2 mới về khi Việt Nam và Nga thống nhất được quy trình kiểm soát cỏ dại. Hiện một DNTM lớn miền Bắc đã không còn chào lúa mỳ Nga giao đầu năm sau nữa mà chỉ chào hàng giao tháng 11/12 (có thể là hàng lưu kho).
•    Đối với sắn lát, đầu tuần này giá mì cám Sơn La giảm mạnh khoảng 300-350 đ/kg so với cuối tuần trước, xuống còn 4400-4500 đ/kg (tùy độ ẩm), nhu cầu ăn hàng của nhà máy vẫn ít. Thời tiết miền Bắc có nắng và khô hanh nên thuận lợi cho việc phơi mì lát.
5. Diễn biến thị trường trong tuần
a. Ngô: Giá ngô có xu hướng tăng tại cả hai miền do các đơn vị áp lực giải phóng hàng đã bán hết
- Tại miền Nam, do cuối tuần trước đơn vị chấp nhận bán ngô sang mạn Vũng Tàu 4.800 đồng/kg đã bán hết nên đầu tuần này giá ngô Brazil giao ngay tăng lên mức 4.850-4.880 đồng/kg (xá cảng Vũng Tàu). Theo thương nhân, có ghi nhận nhu cầu hỏi mua hàng từ các thương lái đưa hàng đi tiểu ngạch qua Campuchia bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Campuchia vẫn có nhu cầu lai rai nhưng do rủi ro trong thanh toán nên thương nhân Việt Nam không dám chốt lượng lớn, giá mua khoảng 4.850 đồng/kg (ngô Brazil) tại cảng Vũng Tàu.
Do ngô Brazil tăng nên ngô Argentina cũng được điều chỉnh tăng theo, giá bán dao động khoảng 4.830-4.850 đồng/kg (xá cảng Vũng Tàu). Đối với hàng giao cuối tháng 12, có đơn vị mua lượng ít được giá 4.920 đồng/kg, nếu mua lượng lớn có thể có giá 4.900 đồng/kg (xá cảng).
- Tại miền Bắc, do giá chào CNF tăng mạnh, hiện lên mức 214-215 USD/tấn về cảng Cái Lân (tương đương trên 5.400 đồng/kg), cộng thêm việc tàu về trễ hơn dự kiến nên một số nhà máy nhỏ/trại chấp nhận mua giá cao hơn. Đầu tuần này giá ngô Argentina giao ngay tại cảng Cái Lân đã lên 4.800-4.820 đồng/kg, ngô Brazil khoảng 4.900-4.920 đồng/kg (xá cảng Cái Lân). Mặc dù vậy nhu cầu ngô vẫn rất chậm, thị trường giao dịch ít, chủ yếu mua bán lẻ. Dự kiến ngày 28/11, tàu Royal Forward (50.969 tấn ngô Brazil) sẽ cập cảng Cái Lân nhưng toàn bộ hàng của nhà máy. Tàu ngô Brazil về cuối tháng 11, đầu tháng 12 chủ yếu là hàng nhà máy, hàng thương mại hầu hết để trả hợp đồng đã ký trước đó.
- Phiên hôm 25/11, giá ngô CBOT tăng nhẹ, tuy nhiên giá giảm lại sau đó theo đà giảm của giá đậu tương và khô đậu tương. Nhìn chung đầu tuần này giá ngô biến động không quá mạnh, thị trường vẫn rất lo ngại về ảnh hưởng của hai đợt bão tuyết liên tiếp tại vùng Trung Tây. Theo báo cáo mùa vụ của Bộ NN Mỹ, tính đến ngày 24/11, nông dân Mỹ mới chỉ thu hoạch được 84% diện tích ngô, tức còn khoảng 13 triệu mẫu (tương đương khoảng 2,2 tỷ bushel – 55,9 triệu tấn) chưa được thu hoạch. Bão tuyết có thể khiến cho nhiều diện tích ngô bị đổ, gãy ngang thân khiến cho thu hoạch bị hao hụt nhiều. Trong ngắn hạn thị trường sẽ tập trung dồn sự chú ý vào diễn biến thời tiết tại Mỹ, Nam Mỹ. Tại Nam Mỹ, dự báo vẫn tiếp tục có mưa, tạo điều kiện cho nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, tuy nhiên nhiều nhà phân tích vẫn rất lo ngại về triển vọng sản xuất ngô vụ 2 tại Brazil vào năm sau bởi tiến độ gieo trồng đậu tương chậm từ đầu mùa. Mới đây, nhà phân tích Cordonnier cắt giảm ước tính sản lượng ngô Brazil niên vụ 2019/20 xuống còn 102 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước do tiến độ gieo trồng ngô vụ 2 có thể bị trì hoãn do việc trồng đậu tương bị chậm. AgRural cho rằng, tính đến cuối tháng 2/2020, bang Parana – bang sản xuất lớn thứ 2 đất nước sẽ chỉ gieo được khoảng 53% diện tích ngô vụ 2, chậm hơn rất nhiều so với mức 71% của cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường Việt Nam, trong tháng 12, lượng ngô nhập khẩu về Việt Nam có thể đạt khoảng 890 nghìn tấn. Với lượng nhập khẩu về tăng mạnh trong suôt giai đoạn 8-9-10-11 thì lượng ngô tồn kho cảng/sà lan hoặc tại kho các công ty vẫn còn khá nhiều. Do đó các thương nhân nhận định rằng việc lưu kho sớm trong tháng 11 có thể vẫn rủi ro do thời gian lưu kho kéo dài, áp lực vốn vay, chi phí lưu kho, hao hụt lớn, chất lượng hàng đi xuống. Do đó, thời điểm giữa và cuối tháng 12 có thể sẽ hợp lý hơn. Áp lực xả hàng của các doanh nghiệp sẽ còn diễn ra trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12, giá có thể thấp trong giai đoạn này nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại.
b. Khô đậu tương
Giá khô đậu tương giao ngay miền Bắc tăng vọt do cung khan
- Đầu tuần này,  nhu cầu hỏi khô đậu tương giao ngay tại miền Nam có khá nhiều cả từ nhà máy TATS lẫn TAGS trong khi hàng về ít, các bên đẩy giá lên từ 50-100 đ/kg so với cuối tuần trước, lên mức 8800-8850 đ/kg (xá cảng Vũng Tàu). Hàng giao tháng 12 chào dao động từ 8850-8900 đ/kg. Một số bên hỏi mua hàng đầu năm sau nhưng trả giá thấp, chỉ 8.750 đồng/kg (xá cảng Vũng Tàu) nên chưa có giao dịch.
Đối với hàng CNF shipment đầu năm sau, nhà máy đang giá basis về lại mức 20-21 USD/tấn ngắn mới mua.
- Tại miền Bắc, do tàu Ocean Rosemary phải khoảng 3/12 mới cập nên nguồn cung khô đậu tương giao ngay vẫn khan. Một số ít nhà máy TACN nhỏ, sản lượng giảm nhiều đang có xu hướng bán khô đậu tương ra do giá giao ngay đang tốt. Hôm thứ 4 (27/11), thị trường khô đậu tương miền Bắc sôi động hơn, giá chào cho hàng giao đầu tháng 12 khoảng 9.250 đồng/kg về nhà máy khu vực Hải Dương, tương đương khoảng 9.050-9.100 đồng/kg (xá cảng Cái Lân). Hàng giao cuối tháng 12 có đơn vị đẩy lên mức 9.350 đồng/kg về nhà máy do lượng hàng nhập khẩu về ít.
- Giá đậu tương và khô đậu tương CBOT liên tục giảm trong đầu tuần này, do: (1) Triển vọng không chắc chắn về đàm phán thương mại Mỹ-Trung; (2) Dự báo thời tiết thuận lợi tại Nam Mỹ tạo điều kiện cho nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mới; (3) Đồng Real Brazil giảm giá khiến cho đậu tương xuất khẩu của nước này cạnh tranh hơn so với hàng Mỹ. Phiên hôm 26/11, tỷ giá USD/BRL đạt 4,233, tăng tới 6% so với hồi đầu tháng. Đồng nội tệ suy yếu khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Brazil cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Người mua Trung Quốc đã mua ít nhất 20 lô hàng đậu tương Brazil trong tuần trước. Vụ thu hoạch đậu tương tại Mỹ đã gần xong (đạt 94% tính đến ngày 24/11) nên thị trường không còn quan tâm quá nhiều đến vấn đề thời tiết mặc dù tuần này có hai đợt bão tuyết liên tiếp tại Mỹ.
- Đối với thị trường Việt Nam, tại thời điểm ngày 27/11, lượng khô đậu tương nhập khẩu trong tháng 12 chỉ đạt chưa đầy 330 nghìn tấn. Hai tháng liên tiếp 11 và 12 về ít nên giá khô đậu tương nhiều khả năng sẽ được đẩy tăng thêm nữa. Tuy nhiên một số nhà máy cũng đang rất thận trọng bởi chưa chắc chắn về nhu cầu.
Đầu năm sau có khả năng lượng khô đậu tương Brazil về Việt Nam sẽ tăng do giá Argentina cao trong thời gian vừa qua bởi chính sách thuế chưa rõ ràng.