• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Thông Tin Thị Trường

Thông Tin Thị Trường

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI 28/08/2019

Ngày đăng: 28/08/2019 | Lượt xem: 667

Ngày 28/08/2019

- Vào chiều 26/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G7 đã cho biết: "Chúng tôi đã có hai cuộc gọi từ Trung Quốc. Họ muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu đàm phán. Chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại. Chúng tôi sẽ bắt đầu nói chuyện rất nghiêm túc với Trung Quốc". Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Cảnh Sảng – người phát ngon của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì ông này lại phủ nhận về các cuộc gọi vào cuối tuần trước. Thái độ cứng rắn mới nhất của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy con đường để Mỹ và Trung Quốc có thể ngồi vào bàn đàm phán sẽ còn rất xa.
- Ngày 27/8, FAS/USDA đã công báo kết quả khảo sát diện tích gieo trồng ngô và đậu tương tại Mỹ. Kết quả này dựa trên những phần diện tích đã gieo trồng và diện tích thiệt hại cập nhật đến ngày 22/8. Kể từ lần khảo sát mới nhất từ 1/8 đến 22/8 đã có thêm khoảng 800 nghìn mẫu ngô và đậu tương đã gieo trồng và diện tích thiệt hại được thêm vào. Tuy nhiên kết quả cho thấy khoảng cách chênh lệnh giữa FAS và NASS vẫn tương đối lớn nhưng đã dần được thu hẹp.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là do số lượng người tham gia vào cuộc khảo sát của FAS và NASS là khác nhau. Trong khi FAS thu thập thông tin từ những người tham gia vào Chương trình trang trại của USDA (USDA farm programs) thì NASS lại ước tính tất cả diện tích gieo trồng, bất kể họ có tham gia chương trình của USDA hay không, do vậy kết quả của NASS luôn lớn hơn FAS.
- Theo dữ liệu từ TCHQ Trung Quốc cuối tuần trước, nhập khẩu đậu tương của nước này từ Argentina trong tháng 7 đạt mức cao nhất kể từ 8/2017. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập 1,07 triệu tấn đậu tương từ Argentina, tăng 300% so với tháng 6 và gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với đó, việc nhập đậu tương từ Brazil và Mỹ cũng đều tăng mạnh trong tháng 7 do lượng đậu tương về Trung Quốc trong nửa đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ.
Brazil vẫn duy trì vị thế quốc gia giữ thị phần nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc với 6,42 triệu tấn trong tháng 7, tăng 17% so với tháng 6 và gấp hơn 3 lần so với 2,07 triệu tấn tháng 7/2018. Đối với đậu tương có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, trong kỳ này, Trung Quốc đã nhập 911,9 nghìn tấn, tăng 50% so với cuối năm trước nhưng vẫn giảm 84% so với tháng 7/2018.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã nhập tổng cộng 38,26 triệu tấn đậu tương, giảm gần 15% so với mức 44,89 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
- Theo dữ liệu từ TCHQ Brazil, trong tuần kết thúc vào 25/8, xuất khẩu đậu tương của nước này đạt 1,3 triệu tấn, giảm 270 nghìn tấn so với tuần trước đó. Theo Williams, từ giờ đến cuối tháng sẽ có thêm 941,7 nghìn tấn đậu tương nữa sẽ rời cảng, đưa tổng lượng xuất trong tháng 8 đạt 4,97 triệu tấn, giảm 3 triệu so với 7,82 triệu tấn trong tháng 7 và giảm mạnh so với 8,12 triệu tấn cùng kỳ năm 2018 do việc thu hoạch đậu tương năm nay diễn ra sớm.
Đối với ngô, 1,99 triệu tấn đã rời cảng Brazil trong tuần này, tăng 630 nghìn tấn so với tuần trước. Dự báo sẽ còn 2,08 triệu tấn tiếp tục được xuất từ giờ đến hết tháng, có thể đưa lượng ngô xuất khẩu trong cả tháng 8 lên mức 8,37 triệu tấn. Mức xuất khẩu này cao hơn 2 triệu tấn tháng 7 và tăng mạnh so với 2,82 triệu tấn cùng kỳ tháng 8/2018.
- Theo Federico Di Yenno, nhà phân tích của Ủy ban Thương mại Rosario (BCR) cho biết, trong niên vụ 2019/20, tổng sản lượng ngũ cốc của Argentina dự kiến sẽ đạt 135,6 triệu tấn, giảm 4,4% so với 141,5 triệu tấn của 2018/19 với diện tích gieo trồng ước tính đạt 35,7 triệu ha, giảm so với mức kỷ lục của năm trước đó là 37.5 triệu ha. Trong đó, sản lượng ngô, đậu tương và lúa mỳ được dự kiến sẽ lần lượt đạt 51 triệu tấn, 50 triệu tấn và 21,5 triệu tấn.
- Nguồn cung thịt của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp cho đến năm tới vì bệnh tả lợn châu Phi (ASF) đang kéo dài mà không có vắc-xin hiệu quả, điều này có thể làm thay đổi cơ cấu ngành chăn nuôi lợn ở quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới cũng như khiến giá thịt lợn duy trì ở mức cao và nước này cũng phải nhập thêm thịt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong vòng 6 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu lên tới 819,000 tấn thịt lợn, tăng 26% so với năm ngoái.