• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Thông Tin Thị Trường

Thông Tin Thị Trường

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI 26/07/2019

Ngày đăng: 26/07/2019 | Lượt xem: 674

Ngày 26/07/2019

- Theo báo cáo xuất khẩu hàng tuần của FAS/USDA, trong tuần kết thúc vào 18/7, doanh số xuất khẩu ngô của Mỹ giao năm 2018/19 chỉ đạt 121,3 nghìn tấn giảm 80 nghìn so với tuần trước, dưới mức kỳ vọng 150.000 – 250.000 tấn của các nhà phân tích. Trong khi đó, doanh số ngô vụ mới giao năm 2019/20 đạt mức 386.600 tấn, vượt quá mức kỳ vọng của thị trường là 100.000 – 300.000 tấn.
+ Doanh số lúa mỳ xuất khẩu tuần này khá cao, khi đạt 659,7 nghìn tấn giao năm 2019/20, tăng mạnh hơn 90% so với tuần trước và 74% so với trung bình 4 tuần trước. Mức này cũng vượt xa dự đoán 200.000 – 450.000 tấn của các nhà phân tích.
+ Đối với đậu tương, do một số lượng lớn các đơn hàng bị hủy như Trung Quốc (hủy 148.800 tấn), Đài Loan (hủy 27.200 tấn), Canada (18.400 tấn) nên doanh số bán đậu tương tuần này bị -78.200 tấn. Người mua chuyển hướng sang mua hàng vụ mới nhiều hơn, doanh số bán cho năm 2019/20 tuần này lên mức 223,7 nghìn tấn, tăng hơn 25 nghìn tấn so với tuần trước.
+ Doanh số bán khô đậu tương tiếp tục hồi phục nhẹ, khi đạt 87,3 nghìn tấn giao năm 2018/2019, tăng so với 65,3 nghìn tấn trong tuần trước đó. Tuần này Việt Nam mua thêm 50.000 tấn khô đậu tương Mỹ, hàng giao năm 2018/19. Đối với năm 2019/20, doanh số bán khô đậu tương của Mỹ đạt khá, với 140 nghìn tấn.
- Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue và các quan chức USDA cho biết trong cuộc họp báo vào hôm thứ Năm (25/7) rằng nông dân Mỹ chuẩn bị nhận được khoản hỗ trợ tối thiểu là 15 đô la/mẫu như một phần của gói viện trợ 16 tỷ USD mà nước Mỹ đưa ra nhằm giúp nông dân chịu tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Điều này phù hợp với thông báo được đưa ra vào cuối tháng 5 nhằm giúp nông dân có thể đưa ra những quyết định trồng trọt sai lầm.
Về tiềm năng của gói viện trợ tương tự vào năm 2020, Perdue cho biết vẫn chưa có kế hoạch nào cho năm 2020 trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào thứ ba tuần tới tại Thượng Hải. Thị trường cũng đang kỳ vọng vào kết quả của cuộc đàm phán này.
- Theo báo cáo hàng tuần của Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) ngày 24/7, thời tiết khô ráo trong suốt tuần vừa rồi đã tạo điều kiện cho người nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch ngô. Tính đến hết tuần 24/7, diện tích ngô đã thu hoạch đạt mức 68,6%, tăng 7,6% so với tuần trước, năng suất trung bình ước tính 8,68 tấn/ha, sản lượng dự báo không đổi ở mức 48 triệu tấn.
+ Thời tiết thuận lợi cũng giúp quá trình gieo trồng lúa mỳ được đẩy nhanh với 96,4% diện tích đã hoàn thành, tăng 4,3% so với tuần trước.
- Tòa án tối cao Brazil đã ra phán quyết yêu cầu Công ty dầu khí nhà nước Petrobras phải tiếp nhiên liệu cho hai tàu chở hàng Bavaria và Termeh của Iran đã bị trì hoãn tại Paranagua. Điều này có thể làm giảm bớt căng thẳng giữa Brazil và Iran. Iran vốn là khách hàng nhập khẩu ngô lớn nhất của Brazil với lượng nhập trong năm 2019 lên tới hơn 2,5 triệu tấn tính đến thời điểm này. Tuy nhiên Petrobras vẫn chưa có hành động sau phán quyết này.
- Tình hình thu hoạch lúa mỳ của Nga và Ukraine tiếp tục cho thấy sự khác biệt ngày càng rõ ràng giữa hai nhà sản xuất lớn khu vực Biển Đen. Cụ thể, năng suất lúa mỳ của Nga tiếp tục giảm trong khi chất lượng và năng suất lúa mỳ của Ukraine dự kiến sẽ tăng lên. Về phía Nga, theo dữ liệu từ Rosselkhoznadzor, trong tuần tính đến ngày 24/7, nước này đã thu hoạch được 10 triệu ha lúa mỳ, chiếm 36% diện tích gieo trồng với năng suất trung bình đạt 3,7 tấn/ha, giảm so với mức 3,83 tấn/ha của cùng kỳ năm ngoái và sản lượng đạt khoảng 37 triệu tấn.
Về phía Ukraine, dữ liệu từ Bộ nông nghiệp nước này cho biết trong tuần tính đến ngày 24/7, nước này đã thu hoạch được gần 74% diện tích lúa mỳ với sản lượng đạt khoảng 18,9 triệu tấn. Năng suất lúa mỳ đã được cải thiện giống như dự kiến của các nhà phân tích khi đạt 3,85 tấn/ha, tăng so vớim mức 3,59 tấn/ha vào đầu tuần trước đó. Lúa mỳ với hàm lượng protein cao sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn, điều này có nghĩa là nguồn cung lúa mỳ TACN sẽ bị hạn chế. Theo bộ nông nghiệp Ukraine, sản lượng lúa mỳ của nước này được dự kiến đạt 26,9 triệu tấn nhưng theo các nhà phân tích, sản lượng lúa mỳ có thể đạt ít nhất 28 triệu tấn do năng suất tiếp tục tăng lên.
- Nguồn tin từ thị trường cho biết, một nhà nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Philipines đã mở một cuộc đấu thầu 55.000 tấn lúa mỳ TACN có nguồn gốc tự chọn. Người mua yêu cầu đơn hàng được giao vào tháng 9 và thỏa thuận sẽ được ký kết vào thứ 5. Trước đó, vào thứ 4, một tập đoàn nhập khẩu của Philippines đã đặt tổng cộng 275 nghìn tấn lúa mỳ TACN có nguồn gốc Australia với mức giá 237 – 245 USD/tấn CFR cho đơn hàng được giao vào tháng 10/2019 – 2/2020. Hiện Australia có nhiều khả năng sẽ tiếp tục trúng thầu do lúa mỳ của nước này có lợi thế về giá vận chuyển và thuế nhập khẩu khi vào Philippine so với lúa mỳ có nguồn gốc khác như ở Biển Đen.
- Báo cáo cung cầu hàng tháng của Hội đồng Ngũ cố Thế giới (IGC) ra ngày 25/7 cắt giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2019/20 tháng thứ hai liên tiếp do sản lượng ngô Trung Quốc sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch sâu keo mùa thu. Cụ thể sản lượng ngô giảm thêm 3 triệu tấn, xuống còn 1,09 tỷ tấn nhưng vẫn là mức lớn thứ hai sau mức kỷ lục 1,13 tỷ tấn năm ngoái.
+ Tương tự ngô, sản lượng lúa mỳ thế giới niên vụ 2019/20 cũng dự báo giảm 6 triệu tấn so với báo cáo cuối tháng trước, xuống mức 763 triệu tấn nhưng vẫn cao hơn năm ngoái 30 triệu tấn. IGC đã cắt giảm ước tính lúa mỳ châu Âu, Nga và Canada.
+ Tương tự ngô và lúa mỳ, sản lượng đậu tương năm 2019/20 cũng được dự báo giảm nhẹ 1 triệu tấn, dự báo ở mức 348 triệu tấn. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại thị trường Trung Quốc có giảm do tịch tả lợn châu Phi nhưng sự gia tăng ở các thị trường khác khiến cho tiêu thụ toàn thế giới tăng 1 triệu tấn, lên mức 359 triệu tấn.