• Địa chỉ liên hệ
  • 783 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đông Hải 1, Q.Hải An, TP. Hải Phòng
ẢNh đại diện

Thông Tin Thị Trường

Thông Tin Thị Trường

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI 16/07/2019

Ngày đăng: 16/07/2019 | Lượt xem: 999

Ngày 16/07/2019

I. Ngô: Giá ngô CBOT quay đầu giảm do: (1) Dự báo thời tiết có mưa tại vùng Trung Tây giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây trồng; (2) Báo cáo mùa vụ hàng tuần của Bộ NN Mỹ ước tính tỷ lệ diện tích ngô trong điều kiện phát triển tốt và rất tốt tăng 1% so với tuần trước.
- Theo báo cáo xuất khẩu hàng tuần của Bộ NN Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 11/7, xuất khẩu ngô của Mỹ đạt mức 676.485 tấn, giảm 6,23% so với tuần trước đó nhưng vẫn nằm trong khoảng kỳ vọng 525.000 – 725.000 tấn của thị trường. Tính từ đầu năm, khối lượng xuất khẩu ngô của Mỹ đã đạt 43,1 triệu tấn và cần khoảng 10 triệu tấn nữa để hoàn thành mục tiêu dự báo 53,34 triệu tấn xuất khẩu trong năm kinh doanh 2018/19, điều đó cũng có nghĩa từ giờ đến cuối năm kinh doanh 2018/19 (tức ngày 31/8), Mỹ cần xuất khẩu đi 1,4 triệu tấn ngô mỗi tuần, điều mà trước đây họ chưa bao giờ làm được.
- Theo báo cáo tiến độ gieo trồng vụ mới của Bộ NN Mỹ cho thấy, tính đến hết tuần 14/7, tỷ lệ diện tích ngô phát triển trong điều kiện tốt và xuất sắc là 58%, tăng nhẹ 1% so với tuần trước đó, nhưng vẫn còn kém xa so với 72% cùng kỳ năm 2018. Tính đến hiện tại, đã có 17% diện tích ngô phun râu, chậm hơn nhiều so với mức 59%của cùng kỳ năm trước và mức 42% của trung bình 5 năm trước.
- Hãng phân tích Agrural có trụ sở tại Brazil cho biết, tính đến cuối tuần trước vụ thu hoạch ngô thứ 2 của Brazil đã hoàn thành được 56% tại khu vực trung tâm phía Nam, tăng 12% so với tuần trước đó. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức 30% của trung bình 5 năm trước. Sản lượng vụ mùa thứ 2 dự báo đạt 76,3 triệu tấn, qua đó nâng tổng sản lượng cả 2 vụ mùa lên mức 101 triệu tấn.
II. Lúa mỳ: Giá lúa mỳ CBOT giảm khá mạnh bởi: (1) Nhu cầu xuất khẩu yếu, lúa mỳ Mỹ đang khó cạnh tranh với nhiều nhà xuất khẩu lớn khu vực châu Âu; (2) Áp lực nguồn cung từ vụ thu hoạch đang diễn ra; (3) Dự báo thời tiết tại Mỹ có mưa, tạo điều kiện cho lúa mỳ mùa xuân phát triển.
+ Xuất khẩu lúa mỳ tuần vừa rồi đã ghi nhận sự sụt giảm gần 50% từ 616.261 tấn tuần trước đó xuống còn 315.358 tấn tuần vừa rồi, dưới mức kỳ vọng của các nhà phân tích.
+ Trái ngược với ngô và lúa mỳ, xuất khẩu đậu tương đã ghi nhận mức tăng tuần thứ tư liên tiếp, đạt mức 854.373 tấn, tăng gần 100 nghìn tấn so với tuần trước đó bởi sự phục hồi từ thị trường Trung Quốc. Khối lượng xuất khẩu đã vượt quá mức kỳ vọng 400.000 – 800.000 tấn của các nhà phân tích. Tổng khối lượng các đơn hàng vận chuyển tới Trung Quốc đã tăng mạnh 89% từ 243.419 tấn lên mức 460.302 tấn. Bộ NN Mỹ kỳ vọng lượng xuất khẩu đậu tương trong năm kinh doanh 2018/19 sẽ đạt tổng cộng 46,27 triệu tấn.
+ Tính đến ngày 14/7, đã có tổng cộng 57% diện tích lúa mỳ mùa đông đã được thu hoạch, tăng 10% so với tuần trước nhưng vẫn chậm hơn mức 72% của cùng kỳ năm trước và 71% trung bình 5 năm.
Đối với lúa mỳ mùa xuân, ước tính có 76% trong điều kiện phát triển tốt và xuất sắc, giảm 2% so với 78% của tuần trước và giảm 4% so với mức 80% cùng kỳ 2018.
III. Đậu tương và Khô đậu tương: dự báo thời tiết thuận lợi hơn và điều kiện cây trồng cải thiện cũng tạo áp lực đẩy giá đậu tương và khô đậu tương đi xuống. Ngoài ra, thị trường cũng lo ngại về tình hình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, Trung Quốc đang vật lộn với dịch tả châu Phi khiến cho nhu cầu đậu tương và khô đậu tương giảm mạnh.
+ Trong tuần qua, nông dân Mỹ đã hoàn thành gieo trồng đậu tương. Tính đến hết tuần 14/7, có 95% diện tích đậu tương đã nảy mầm, tăng 5% so với tuần trước nhưng chậm hơn 100% của cùng kỳ năm trước và 99% trung bình 5 năm. Ước tính tỷ lệ diện tích trong điều kiện phát triển tốt và xuất sắc là 54%, tăng 1% so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 69% của cùng kỳ 2018. Vì gieo trồng muộn, nên tính đến hiện tại, mới chỉ có 22% diện tích gieo trồng đã nở hoa, chậm hơn nhiều so với 62% cùng kỳ năm trước và 49% trung bình 5 năm.
- Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong phiên đấu giá đậu tương quốc gia thứ 2 vừa rồi, nước này chỉ bán được vỏn vẹn 1.643 tấn đậu tương, giảm tới 92% so với tuần trước đó, tỉ lệ bán thành công chỉ đạt 1,16% trong tổng số 141.362 khối lượng được mang ra đấu giá. Nhu cầu giảm rất mạnh mặc dù mức giá cho đợt đấu giá này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm ở mức 3.000 CNY/tấn (436,68 USD/tấn). Điều này xảy đến giữa bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại quốc gia này.
Kể từ giữa tháng 6 tới nay, Trung Quốc mới bán thành công tổng cộng 440.000 tấn đậu tương dự trữ trong tổng số 900.000 tấn đậu tương mang ra đấu giá, con số này chỉ bằng một nửa so với 832.302 tấn đã bán được của cùng kỳ năm ngoái.
Theo cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã sụt giảm còn 24,7 triệu tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Nhiều ổ dịch tả lợn đã xuất hiện ở Miền Tây Trung Quốc, nâng tổng số ổ dịch ở nước này lên hơn 140 ổ kể từ tháng 8/2018.
Trong khi đó, dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho thấy, trong tháng 6/2019, tổng đàn lợn của nước này đã giảm 5,1% so với tháng trước và thấp hơn gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô đàn lợn nái trong tháng này cũng giảm 5% so với tháng trước và giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự suy giảm của đàn lợn trong năm nay, nhu cầu khô đậu tương của Trung Quốc có thể giảm mạnh do nhu cầu của ngành chăn nuôi lợn chiếm hơn 40% tổng nhu cầu khô đậu của nước này.